Nguồn cung khan hiếm, vật liệu nào thay thế cát xây dựng?
Thời gian qua, nạn “cát tặc” tại các địa phương đã được cơ quan chức năng vào cuộc kiểm soát gắt gao. Nguồn cung khan hiếm, giá cát xây dựng trên địa bàn TP HCM tăng cao, mỗi nơi một giá. Trước nhu cầu tìm vật liệu thay thế cát ngày càng cao, các chuyên gia đã kiến nghị giải pháp cho bài toán này.
Tại một số cửa hàng vật liệu xây dựng trên đường Ung Văn Khiêm, quận Bình Thạnh, chủ cửa hàng cho biết, giá cát vàng dùng trong xây dựng đã tăng lên gấp đôi kể từ đầu năm 2019 đến xấp xỉ 500.000 đồng/m3. Mỗi ngày lượng cát mà các vựa cung cấp giảm từ 30-40%. Giá cát nhảy “loạn”, nhu cầu tìm vật liệu thay thế cát ngày càng trở nên bức thiết.
PGS.TS. Trần Văn Miền, Trưởng bộ môn Vật liệu xây dựng, Trường Đại học Bách khoa TP HCM cho biết, hiện nay, loại nguyên liệu thay thế cát tự nhiên là cát nhân tạo. Đây là loại cát được nghiền từ đá, có cỡ hạt gần tương tự với cát tự nhiên, đảm bảo các yêu cầu về tính chất cơ lý, hóa và có thể trộn lẫn theo tỷ lệ phù hợp với cát tự nhiên trong bê tông và vữa xây dựng.
“Cát nghiền là sản phẩm được tạo ra từ đá. Trong quá trình nghiền đá sẽ tạo ra rất nhiều loại hạt, nếu phối trộn giữa cát nghiền với cát sông theo tỷ lệ khác nhau sẽ tạo ra được hỗn hợp phù hợp với quy chuẩn cho xây dựng”, ông Miền nói.
Theo các chuyên gia, giá thành sản xuất đá xay chỉ bằng 1/2 giá cát xây dựng đang bán trên thị trường hiện nay. Giải pháp tối ưu là trộn chung đá xay và cát xây dựng với tỷ lệ đá xay chiếm khoảng 30-40%, vì đá xay không thể thay thế hoàn toàn cát xây dựng.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM cho rằng, trong khi giá cát tự nhiên đang ở mức rất cao như hiện nay, cát nhân tạo thay thế cát xây dựng sẽ là giải pháp thiết thực.
Cũng theo ông Châu, ngoài đá xay, xỉ thép từ các nhà máy luyện kim sau khi tái chế cũng là một nguồn vật liệu thay thế cát xây dựng về lâu dài. Ngoài ra, tro, thạch cao có thể thay thế cát làm nền.
Mặc dù các giải pháp thay thế cát xây dựng đã có, thế nhưng, giá thành sản xuất các vật liệu này khá cao và chỉ áp dụng được trong một số trường hợp nhất định. Các chuyên gia cho rằng, các cơ quan quản lý Nhà nước cần tiếp tục siết chặt việc khai thác cát, có quy hoạch và kế hoạch khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả nguồn cát tự nhiên.
Đồng thời, cần đẩy mạnh việc sản xuất và sử dụng cát nhân tạo từ đá hoặc từ các phế thải xây dựng, phế thải công nghiệp, phế thải khai thác khoáng sản. Có như vậy, về lâu dài mới thay đổi được thói quen sử dụng cát tự nhiên đã ăn sâu vào tiềm thức của người tiêu dùng./.